Nhận diện những khó khăn của xuất khẩu gỗ

vi en cn

Hotline

0908 567 271 - 0919 991 598
Nhận diện những khó khăn của xuất khẩu gỗ
Ngày đăng: 20/03/2023 03:01 PM

    (Chinhphu.vn) - Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là những mặt hàng trong top đầu mang về giá trị xuất khẩu (XK) cao trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, giá trị này đã có sự sụt giảm so với cùng kỳ những năm trước. Nhiều khó khăn trong XK gỗ đang cần được tháo gỡ.

    Khó khăn từ thị trường

    Giá gỗ nguyên liệu tăng cao đang gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

    Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2022 đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với tháng 6/2021. Trong đó, XK sản phẩm gỗ là 1,03 tỷ USD, giảm 18,1% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng năm 2022, trị giá XK gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, XK sản phẩm gỗ ước đạt 6,14 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.

    Về nguyên nhân trị giá XK gỗ và sản phẩm gỗ sụt giảm, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM phân tích: Trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng tình trạng lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Người tiêu dùng ở các nước Mỹ và EU đang tập trung nhu cầu chi tiêu cho lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu nên cắt giảm chi tiêu mua đồ gỗ vào thời điểm này.

    Bên cạnh đó, giá cước vận tải cùng với giá mua gỗ nguyên liệu tăng cao khiến giá thành sản xuất tăng gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nước ta.

    Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, một trong những nguyên nhân khiến việc tăng trưởng XK gỗ hạn chế là do hầu hết các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi XK sang thị trường Châu Âu đều ký hợp đồng yêu cầu thanh toán bằng tiền USD. Các đối tác nhập khẩu đồ gỗ ở EU mua hàng phải trả tiền bằng USD nhưng bán hàng tại EU thì thu bằng Euro. "Do gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao ngay từ đầu năm nên các DN trong nước phải tăng giá bán các sản phẩm đồ gỗ. Trước đây 1 Euro quy đổi 1,35- 1,40 USD thì nay chỉ còn 1,1 USD, tức là mất đi gần 20%. Như vậy, nếu giữ nguyên giá bán thì các thương nhân ở EU sẽ lỗ nên họ buộc phải tăng giá bán đồ gỗ lên. Điều này dẫn đến các sản phẩm gỗ khó bán hơn, trong khi nhu cầu đang giảm", ông Liêm cho hay.

    Khó khăn nội tại

    Trong khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc thì nhiều doanh nghiệp ngành gỗ cũng đang loay hoay với việc hoàn thuế và truy xuất nguồn gốc gỗ.

    Công văn mới đây của Chi hội Dăm gỗ Việt Nam gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ đang gặp khó khăn rất lớn trước các quy định không thống nhất về nguồn gốc gỗ rừng trồng giữa Bộ NN&PTNT với các quy định về thủ tục xác minh nguồn gốc gỗ trước hoàn thuế VAT xuất khẩu của Bộ Tài chính.

    Cụ thể, Cơ quan Thuế yêu cầu xác minh nguồn gốc đến tận người trồng rừng, nguồn gốc gỗ được xem là hợp pháp khi doanh nghiệp hoàn thuế/cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cung cấp thông tin tới chủ rừng với các giấy tờ: Sổ đỏ diện tích khai thác; chứng minh thư nhân dân của chủ sở hữu; bảng kê lâm sản; đơn xin khai thác được chính quyền địa phương xác nhận.

    Chi hội Dăm gỗ Việt Nam cho rằng, các yêu cầu trên của cơ quan thuế hoàn toàn khác khi đối chiếu với quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ban hành ngày 16/11/2018, về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản tại Điều 5 và Điều 15 đối với gỗ rừng trồng thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân.

    Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, Việt Nam có trên 1,5 triệu ha rừng trồng do 1,1 triệu hộ gia đình quản lý, hơn 60% chưa được cấp sổ đỏ, trong đó có không ít là diện tích đất xâm canh. Như vậy, sẽ không đủ cơ sở để cơ quan thuế xác minh và lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ không được hoàn thuế vì không rõ nguồn gốc.

    Vấn đề thứ hai được Chi hội Dăm gỗ Việt Nam đưa ra đó là trong quá trình xác minh cơ quan thuế yêu cầu rất nhiều thành viên cùng tham gia xác minh nguồn gốc gỗ (bao gồm chủ phương tiện vận chuyển, biển số xe, chủ rừng, kiểm lâm, địa chính, công an xã, lãnh đạo xã, đại diện cơ quan thuế) điều này gây ra sự bất cập rất lớn và kéo dài thời gian xác minh nguồn gốc gỗ.

    Nếu một trong các thành viên trong quá trình xác minh bị thiếu hoặc không rõ thông tin, lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ bị xem là không rõ nguồn gốc. Điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu mà chính quyền địa phương cũng không đủ nhân lực để thực hiện, gây ách tắc nhiêu khê, thủ tục hành chính rườm rà.

    Về vướng mắc hồ sơ hoàn thuế VAT của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ liên quan đến chế độ thuế trong quá trình khai thác gỗ và lâm sản, đơn kiến nghị của Chi hội Gỗ dán gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, vướng mắc đều liên quan đến bảng kê lâm sản khi các bên không xác minh được, trong khi đó cơ quan thuế thì muốn xác minh đến tận F0 (tức là xác minh đến hộ dân có rừng trồng, chặt và khai thác). Việc này gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

    Cũng theo Chi hội gỗ Dán, các cơ quan đơn vị có chức năng cấp C/O nguồn gốc cho sản phẩm ván ép yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp hồ sơ gồm: Bảng kê lâm sản có xác nhận của kiểm lâm, đơn xin khai thác, chứng minh nhân dân của chủ rừng, sổ đỏ... Nhưng các văn bản này đi qua quá nhiều đơn vị trung gian nên doanh nghiệp không chắc chắn được là có chính xác hay không. Như vậy, các bảng kê đang sử dụng để xin cấp C/O không có tính thực tiễn, không có tính hợp pháp quốc tế.

    Trước những vướng mắc, khó khăn cả về hoàn thuế VAT và truy xuất nguồn gốc gỗ, các hiệp hội và doanh nghiệp cho rằng cần thống nhất về các hồ sơ, giấy tờ liên quan tới việc truy xuất nguồn gốc lâm sản giữa quy định của Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính liên quan tới truy xuất nguồn gốc gỗ, đồng thời có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện cho đúng và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

    Trong thời gian đợi hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính, để hoàn thiện các hồ sơ hoàn thuế, Chi hội Dăm gỗ kiến nghị, thay vì xác minh đến tận chủ rừng (hay còn gọi là đầu nguồn khai thác) như hiện nay, nên xác minh vào cuối nguồn (đơn vị xuất khẩu). Nghĩa là, trước khi lô hàng xuất khẩu, đơn vị thứ 3 chịu trách nhiệm xác nhận nguồn gốc lô hàng là gỗ rừng trồng hợp pháp có sản lượng xuất khẩu đúng với tờ khai hải quan; số lượng và chất lượng đúng với xác nhận của đơn vị giám định; tiền thanh toán của đối tác nước ngoài về tài khoản.

    Cần thống nhất về các hồ sơ, giấy tờ liên quan tới việc truy xuất nguồn gốc lâm sản giữa quy định của Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

    Đỗ Hương

    Nguồn : Báo Điện tử Chính phủ 

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo